Những hậu quả khôn lường từ căn bệnh trầm cảm
Trầm cảm là hiện tượng ức chế của các quá trình hoạt động tâm thầm với bệnh cảnh lâm sàng, người mắc chứng trầm cảm sẽ tự sản sinh ra những tư duy tiêu cực, bi quan dẫn tới những hành vi làm tổn thương cơ thể và có thể gây nguy hiểm đến những người xung quanh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến, chiếm khoảng 5% dân số có rối loạn trầm cảm rõ rệt, là căn bệnh thứ 2 gây hại đến sức khoẻ con người chỉ sau bệnh lý tim mạch, nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp hạn chế những hệ luỵ không mong muốn. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng nhanh qua các năm, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực cuộc sống, công việc, gia đình gây ảnh hưởng đến tâm lý. Các biểu hiện bệnh trầm cảm thường gặp là trạng thái buồn rầu chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, tiêu cực mặc cảm thua kém và có thể dẫn tới tự sát. Sự việc vừa xảy ra cách đây ít ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm được người nhà đưa vào Khoa Tâm thần kinh (BVĐK) tỉnh để điều trị và có hành động nhảy từ ban công tầng 7 của nhà A, (BVĐK) tỉnh Bắc Kạn tử vong, mặc dù trước đó các cơ quan chuyên môn đã khuyên can, ngăn chặn.
Trao đổi về căn bệnh này, Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Đình Viện, Trưởng khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: Bệnh trầm cảm thường có các triệu chứng về rối loạn, lo âu, suy nghĩ không thông thoát, mất hứng thú niềm vui sinh hoạt hàng ngày, khí sắc biểu lộ những cảm giác buồn vô vọng, mất ngủ thường xuyên, chán ăn, dễ cáo gắt nổi nóng vô cớ, ít chăm sóc bản thân, thường nghĩ đến cái chết, lên kế hoạch tự sát hoặc có hành vi tự sát.
Theo báo cáo của ngành Y tế, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 269 bệnh nhân trầm cảm đang được quản lý, điều trị. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Viện, bệnh nhân sau khi nhập viện, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, sẽ được các bác sĩ đưa ra các phương pháp và chỉ định chăm sóc điều trị:
- Phải phát hiện được sớm và chẩn đoán chính xác các hình thái trầm cảm (suy nhược, lo âu, rối loạn cơ thể…)
- Phải xác định được mức độ trầm cảm hiện có ở người bệnh (nhẹ, trung bình, hay nặng).
- Phải xem trầm cảm có kèm theo những rỗi loạn tâm thần khác hay không (như kèm hoang tưởng, ảo giác, kích thích vật vã…).
- Phải xác định rõ nguyên nhân trầm cảm: trầm cảm nội sinh, trầm cảm thực tổn, trầm cảm tâm sinh.
- Phải xác định sớm điều trị thuốc trầm cảm, chọn lọc đúng nhóm thuốc, liều lượng và cách sử dụng phù hợp với từng bệnh nhân.
- Phải biết kết hợp với các thuốc an thần kinh khi cần thiết, tuỳ từng thể loại trầm cảm.
- Sốc điện (ECT) trong các trường hợp trầm cảm nặng có ý tưởng hành vi tự sát cả những trường hợp sử dụng thuốc tới liều không kết quả (kháng thuốc).
- Thuốc trầm cảm: Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm với nhiều cơ chế khác nhau, dưới đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng: Thuốc ức chế monoamine (MAOIs); tranylcypromine (Parnate); phenelzine (Nardil) và isocarboxazid (Marplan) và Stablon. Khi sử dụng thuốc trong điều trị người bệnh phải tuân thủ chế độ ăn, uống của bác sĩ.
- Biện pháp tâm lý: Phương pháp này được thực hiện bằng cách nói chuyện giữa bệnh nhân với bác sĩ, sẽ giúp người bệnh hiểu thêm về sức khoẻ, tinh thần, hoàn cảnh của cá nhân, khơi thông cảm xúc, cũng như tăng khả năng ứng phó với các sự kiện gây căng thẳng, khuyên người bệnh phục hồi chức năng tâm lí xã hội và làm những công việc nhẹ nhàng.