Tiêm vắc xin phòng uốn ván là cần thiết
Uốn ván (hay còn gọi là phong đòn gánh) là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao do độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não, hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng theo chỉ định, hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ngày 24/4, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận người bệnh H.V.T, 17 tuổi ở xã An Thắng (Pác Nặm) chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế huyện Ba Bể đến trong tình trạng co cứng toàn thân, co giật.
Bác sĩ CKI, Sằm Tư Thế, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: Người bệnh H.V.T được xác định bị uốn ván nặng, cần phải điều trị dài ngày.
Theo lời kể của người nhà người bệnh, cuối tháng 3/2024 người bệnh H.V.T bị ngã xe máy, đầu gối đập xuống nền đất và bị một vật cứng nhọn đâm vào mắt cá chân trái, nhưng người bệnh không đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng uốn ván, mà chỉ lấy lá cây đắp cầm máu. Trước khi đến cơ sở y tế cấp cứu, người bệnh xuất hiện triệu chứng khít hàm, cứng hàm, cổ họng có nhiều đờm nhưng khó khạc nhổ, sau đó xuất hiện các dấu hiệu cứng cơ, co giật.
Theo bác sĩ CKI, Sằm Tư Thế, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 95%). Bệnh uốn ván gây ra do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với đất, cát bụi, phân gia súc, gia cầm, cống rãnh hoặc dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ. Những vết thương này phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây ra bệnh uốn ván. Bệnh uốn ván làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh bị nhiễm trùng uốn ván tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, việc phòng ngừa uốn ván là vô cùng cần thiết. Hiện nay, tiêm vắc xin được coi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Có nhiều loại vắc xin phù hợp cho từng đối tượng, bao gồm cả phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người lớn. Ngoài ra, khi có vết thương trên da, cần lưu ý rửa sạch và sát trùng vết thương. Đối với các trường hợp vết thương sâu, nhiễm bẩn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và tiêm phòng vắc xin kịp thời để phòng ngừa bệnh uốn ván./.