TẬP HUẤN KỸ THUẬT LẤY MÁU GÓT CHÂN CHO TRẺ SƠ SINH
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực Sản khoa. Ngày 03/8/2022, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Chi cục dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Bắc Kạn tổ chức khai mạc khóa tập huấn “Kỹ thuật lấy máu gót chân” trẻ sơ sinh cho 20 Bác sỹ, hộ sinh hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và 08 Trung tâm Y tế huyện, thành phố.
Lấy máu gót chân là phương pháp dùng kim chích 1 - 2 giọt máu ở chân trẻ sơ sinh rồi thấm vào giấy chuyên dụng, để khô, sau đó bắt đầu xét nghiệm và sẽ có kết quả trong một thời gian nhất định. Mục đích của xét nghiệm này nhằm phát hiện sớm những bệnh liên quan đến nội tiết hay rối loạn di truyền từ khi bé chào đời như: Thiếu men G6PD, tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh.
Tại khóa tập huấn, các học viên đã được nghe ThS. BS Phạm Xuân Minh- Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ những kiến thức về mục đích, ý nghĩa của việc lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh và quy trình kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sau sinh; thực hành kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh.
Khóa tập huấn diễn ra 3 ngày từ ngày 03-05/8/2022, sau khi học viên học xong lý thuyết, thực hành trên mô hình, các học viên đã được thực hành tại khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Kỹ thuật lấy máu gót chân không phải là khó nhưng đòi hỏi người kĩ thuật viên phải làm đúng, đủ các bước theo quy trình cẩn thận, tránh làm đau trẻ và làm hỏng, lỗi mẫu phiếu lấy máu.
Khóa tập huấn đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp học viên nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó nâng cao chất lượng tư vấn, tuyên truyền cũng như thực hiện kỹ thuật lấy máu trên người bệnh để phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.
Dưới đây là một số hình ảnh lớp tập huấn