HY HỮU NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ ĐỈA CHUI VÀO BÀNG QUANG
Chiều ngày 23/06/2020 các bác sỹ tại khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã nội soi gắp được 1 con đỉa dài 13cm trong bàng quang của một người đàn ông.
Người bệnh là ông M.V.B 61 tuổi, trú tại Tổ 17, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn vào viện trong tình trạng đau quặn từng cơn vùng dưới rốn kèm đi tiểu buốt và ra máu.
Qua trao đổi với người bệnh, được biết trước đó khoảng 11h cùng ngày, ông B có đi kéo lưới bắt cá tại sông Cầu, đoạn chảy qua thành phố Bắc Kạn. Khi đang bơi đánh cá vùng nước sâu, ông B có cảm giác khó chịu vùng lỗ tiểu đầu dương vật. Về nhà, ông thấy đau tức dữ dội vùng dưới rốn, kèm đi tiểu buốt và ra máu tươi. Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn khám và điều trị.
Tại khoa Ngoại Tổng hợp, sau khi khám, làm các xét nghiệm, ông B được chẩn đoán: Dị vật bàng quang, theo dõi đỉa chui vào bàng quang qua dương vật. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi can thiệp lấy dị vật. Kíp mổ gồm bác sỹ Phạm Văn Thắng, bác sỹ Hứa Ngọc Đạt cùng với các bác sỹ khoa Gây mê hồi sức tiến hành gây tê tủy sống, đặt máy soi vào bàng quang, kiểm tra thấy đường niệu đạo và bàng quang có nhiều vết cắn đang rỉ máu, trong lòng bàng quang có nhiều máu cục; kiểm tra kỹ hơn thấy hình ảnh 1 con đỉa căng tròn, nằm trong lòng bàng quang. Các bác sỹ tiến hành gắp con đỉa ra ngoài, bơm rửa máu cục, dùng thuốc cầm máu, đặt sonde bàng quang dẫn lưu. Người bệnh được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp, sức khỏe ổn định và được ra viện ngày 29/06/2020.
Bác sỹ Phạm Văn Thắng, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: con đỉa lấy ra từ bàng quang người bệnh có kích thước khoảng 13cm. Ban đầu con đỉa có kích thước nhỏ, có thể chui qua niệu đạo ông B. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, con đỉa đã gây ra nhiều vết cắn, hút máu và thay đổi kích thước.
Đỉa là một loài sinh vật sống dưới nước, thuộc ngành giun đốt. Chúng có thân mềm và nhầy, phù hợp với việc bơi lội trong nước, thức ăn của chúng là máu các loài động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu, đồng thời chúng có khả năng tiết ra chất Hirudin là một chất chống đông máu nên vết cắn của đỉa sẽ gây chảy máu liên tục.
Tại Việt Nam và trên Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bị đỉa chui vào các lỗ tự nhiên của con người như tai, hầu họng, âm đạo…. Trường hợp đỉa chui vào bàng quang qua lỗ niệu đạo là trường hợp đầu tiên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận điều trị.
Qua trường hợp người bệnh trên đây, để tránh những trường hợp tương tự có thể gặp phải, đề nghị người dân nhất là những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với sông nước cần nâng cao cảnh giác khi đi bơi hoặc cho trẻ tắm tại các ao, hồ, sông, đầm và những vùng nước tù đọng. Cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn khi có các biểu hiện nghi ngờ đỉa chui vào cơ thể./.
BS.Bế Ích Sướng – Khoa Ngoại tổng hợp