BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BẮC KẠN THỰC HIỆN NỘI SOI LẤY DỊ VẬT BÃ THỨC ĂN KÍCH THƯỚC HƠN 10 CM TRONG DẠ DÀY
Các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa nội soi can thiệp – cắt gắp bã thức ăn dạ dày cho bệnh nhi tên D.T.X (sinh năm 2006, là dân tộc H’Mông trú tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể) chẩn đoán viêm dạ dày cấp do khối bã thức ăn có kích thước lớn hơn 10 cm.

Qua khai thác tiền sử bệnh cho thấy, bệnh nhi xuất hiện cơn đau bụng vùng thượng vị khoảng 2 tháng nay sau một thời gian khá dài thường xuyên ăn quả hồng ngâm (hồng không hạt). Bệnh nhi D.T.X cho biết bản thân thích ăn quả hồng ngâm nên vào mùa vụ gia đình rất hay mua về ăn. Khi cơn đau vùng thượng vị xuất hiện, bệnh nhi đã được gia đình cho uống thuốc nam tại nhà, nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm.
Ngày 23/11/2020, Bệnh nhi nhập viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chỉ định nội soi dạ dày và bất ngờ phát hiện một khối bã thức ăn lớn hình dáng như quả bưởi nổi lềnh phềnh trong bề mặt dạ dày, kích thước khối bã thức ăn có đường kính hơn 10 cm.
Thông thường những dị vật bã thức ăn lớn trong dạ dày như vậy thì bệnh nhân phải phẫu thuật mổ phanh mới lấy dị vật ra được. Tuy nhiên các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi mềm. Đây là phương pháp phẫu thuật không xâm lấn, không gây tổn thương bề mặt dạ dày, bằng cách dùng kìm kẹp cắt khối bã lớn thành nhiều mảnh nhỏ, và gắp một phần theo ống nội soi qua đường miệng ra ngoài. Do khối dị vật lớn nên phần còn lại được bơm rửa nước để nhuyễn khối dị vật bã thức ăn. Và sau đó cho bệnh nhân uống thuốc nhuận tràng.
Bác sỹ CKII Bùi Mạnh Cường (Phó Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn) là người trực tiếp thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp – cắt gắp bã thức ăn dạ dày cho biết: “ Những năm gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn do có dị vật là khối bã thức ăn tạo thành trong dạ dày cũng không phải hiếm gặp. Nhưng trường hợp bệnh nhi D.T.X là đặc biệt hơn cả vì có kích thước dị vật khá lớn chiếm gần hết bề mặt dạ dày. Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân trong suốt thời gian làm thủ thuật, nên chúng tôi phải tiến hành thực hiện 2 lần mới loại bỏ được hết dị vật khỏi dạ dày người bệnh. Mỗi lần thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Hiện nay, Bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe, và được xuất viện vào ngày 29/11/2020”.

Theo các chuyên gia y tế thì khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Quá trình hình thành khối bã do sử dụng thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm chưa đủ thời gian nên còn vị chát, xoài xanh, ổi, hồng xiêm, xơ mít, và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng...Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, mềm...Nên uống đủ nước; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt); nấu chín thức ăn, nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người cao tuổi; không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục”.